[Oneshot | NamSeok] Về cách người ta tìm thấy thiên đường như thế nào

cfn5-kfvaai4nyd

Ảnh của @ Jessi.

Author: Trịnh Ánh

Pairing: NamSeok/HopeMonster

Category: PG

Summary: ‘…thiên đường.’

Chúng ta có rất nhiều vải, vải lụa, vải cô tông, vải nhiễu, vải dệt bằng máy, vải bao tải, đúng rồi đúng rồi, hãy cứ chất đống cả vào đây, thứ nào còn bền ta có thể dùng để may áo vá quần, thứ nào đã ra xơ mướp thì đành phải dùng mà làm chất đốt. Củi ấy hả? Cháu hỏi củi đâu ấy hả? Ôi dào ôi lấy đâu ra củi nữa! Này cháu, cháu đã ở đây bao lâu rồi? Chúng ta đã không được cung cấp thêm một tờ giấy trắng nào từ lâu lắm rồi! Cháu không tin sao? Tại sao cháu lại không tin nhỉ? Không! Không còn đâu! Chẳng còn một cành củi nào hết, không có gỗ, không có rừng! Bao nhiêu khung cửi, xà nhà, chúng ta đều đã tận dụng cả rồi! Chúng ta không còn gỗ nữa!

Rồi một ngày nào đó không có khung cửi, không thể dệt vải, vậy chúng ta lấy đâu ra vải để mà đốt nữa?

Ở cái thời đại này thì còn mấy ai dùng khung cửi nữa đâu. Người ta dùng máy. Những chiếc máy được đánh lên bóng loáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, ôi chao ôi một thời đại của nền công nghiệp cơ khí, sắp tới đây ngay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu, người ta sẽ phát triển một thứ công nghiệp mới, thứ hàng hóa không thể nhìn thấy. Chúng truyền đi trong không gian với tốc độ kinh hoàng, nhanh hơn cả những người máy vừa mới được tra lại dầu, nhanh hơn cả đầu máy xe lửa, thậm chí còn nhanh hơn cả máy bay nữa kia! Thật tuyệt vời biết bao nhiêu, tiền thì cứ dốc vào túi ta, trong khi ta chỉ cần ngồi yên ở đó, chẳng cần ra khỏi nhà lấy nửa bước. Chỉ cần ngồi trước màn hình phát ra ánh sáng xanh và chờ đợi thôi!

Thế nhưng chúng ta vẫn không có gỗ, chúng ta có hàng đống máy móc, đồng nghĩa với việc chúng ta có hàng đống quần áo, thức ăn, nước uống, chúng ta không thiếu thứ gì, nhưng chúng ta không có gỗ!

Chuyện đó quan trọng với cháu đến thế hay sao? Cái thằng nhóc này, đi học mau lên còn đứng đấy làm gì? Học, học, học! Học đi để mà đổi đời, thoát khỏi cái nơi chết dẫm này thì muốn gì cũng được! Chỗ của cháu là ở trường đại học, cháu hiểu chưa? Chẳng một ai ở cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này có thể học lên đến đại học hết! Cháu phải học! Đi học mau lên! Vào đại học rồi thì tha hồ cãi!

.

‘Không phải là chúng ta không đủ năng lực để học lên đến đại học, ồ dĩ nhiên là hoàn toàn không rồi. Chúng ta không có tiền để có một chỗ trong trường đại học mà thôi.’

Hoseok nghiêng đầu nhìn Namjoon với một vẻ vô cùng thán phục. Cậu bé thích nhìn thấy Namjoon những lúc như thế này, nghiêm túc nói cho cậu nghe một câu triết lí sâu xa nào đó. Những câu mà cậu có thể nhanh chóng lĩnh hội, chỉ là không biết làm thế nào để sắp xếp câu từ cho ngăn nắp.

Phân nửa người dân của cái nơi chết dẫm này – trích nguyên văn lời của những người đã từng đặt chân đến đây miêu tả về nó – đều không thể sắp xếp từ ngữ cho ngăn nắp được. Mọi thứ cứ vương vãi khắp nơi trong cái căn phòng tiềm thức của họ, mỗi chỗ một ít, vắt vẻo trên lưng ghế là mấy câu tục ngữ mất đuôi mất đầu, ngổn ngang dưới sàn là đôi ba phép so sánh râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thành ra cứ mỗi lúc cần tìm một thứ gì, họ sẽ phải bới tung tất cả lên, thành ra đã hỗn độn lại càng hỗn độn.

Thế nhưng Namjoon, cậu ấy có thể sắp xếp từ ngữ một cách thần kì quá đỗi, khiến cho Hoseok đôi khi có cảm giác không thật. Ngần ấy từ ngữ, làm sao có thể nghĩ ra ngay lập tức mà không cần phải suy nghĩ lâu la? Đối với cậu bé, mọi thứ thuộc về Namjoon đều kì diệu. Cả cặp kính mà Namjoon đeo hàng ngày cũng thế, thật kì diệu. Ở đây chẳng có ai đeo kính cả.

‘Trường đại học ở thành phố phải không?’

Hoseok mỉm cười xoa xoa lưng Namjoon. Trong đầu cậu bé vẽ ra một cung đường ngoằn nghèo còn cậu thì ngồi trên một chiếc xe khách xóc nảy điên cuồng hướng tới một cánh cổng ghi ba chữ ‘trường đại học’.

‘Ừ, đúng rồi. Đó là một tòa nhà có nhiều tầng, trên các tầng là những phòng học sáng sủa, bàn ghế kê thẳng tắp. Chúng ta có sách, rất nhiều sách. Chúng ta không cần phải mượn nhau từng cây bút nữa. Chúng ta cũng có cả bữa trưa ở trường. Chúng ta có thể cùng nhau chạy nhảy, cùng nhau học tập. Nơi đó chính là thiên đường.’

Cậu bé Namjoon nheo nheo mắt nhìn về phía trước. Một cái chái nhà thấp lè tè với cái mái rạp xuống gần chạm đất, một khung cửa sổ vỡ kính, một bức tường gạch đầy những vết phấn, những con số, những thằng người chạy ngang qua đồng cỏ, những cái cây chẳng có tán lá, những bông hoa không có cánh hoa, những bầu trời không có áng mây bay. Một vạt cỏ dại mọc lên lùm xùm, muỗi bay vo ve vo ve.

Một cái thùng lớn để đựng tất cả cơm thừa, chờ lên men để làm mẻ, chỗ mẻ đó có thể dùng để nấu với cá. Đấy là trong trường hợp chúng ta có cơm thừa và có cá.

Một cái hố đào sâu xuống vài mét, chất đầy phân trâu phân bò dùng để ủ thành khí ga, khí đó chỉ khi nấu nướng mới được dùng đến.

Một chiếc dây được căng lên dùng để phơi dưa, chúng ta cần dưa héo, để muối chúng lên, ăn như thế mới có thể ăn được nhiều bữa.

Namjoon cúi đầu nhìn xuống. Bóng cậu bé đổ dài. Cậu không nhìn thấy bàn chân mình. Chính cái bóng của cậu đã che mất đôi chân, che mất mặt đất, cái bóng nặng trĩu vì phải đỡ cả một tầng không khí u ám cáu bẩn nhàu nhĩ lộn xộn ê ẩm của cái chỗ nửa nông thôn nửa thành thị này.

‘Có nhất thiết phải đến tận trường đại học không?’

Lần này lại đến Namjoon chớp chớp mắt nhìn Hoseok. Hoseok chột dạ, thấy Namjoon không trả lời, liền khe khẽ thì thầm:

‘Vì tớ có thiên đường của tớ rồi.’

Rồi đột nhiên đôi mắt Hoseok sáng rỡ lên, cậu bé ngồi thẳng dậy nắm lấy tay Namjoon, nói bằng giọng hào hứng, tiếng nói đan vào tiếng cười:

‘Đi! Chúng ta sẽ đi xem thiên đường của tớ!’

Và chúng chạy. Chúng chạy ngang qua cánh đồng, bỏ lại cánh chim liệng trên đầu, quên mất cả việc thơ thẩn nhìn theo một cánh diều lững thững giữa mây trời, chúng chạy ngang qua những ụ rơm thật lớn, những lão dân cày đang nghỉ mát dưới gốc cây, những bà làm nông đang hì hục xay thóc, những đứa trẻ con nhìn theo chúng đầu hiếu kì. Nhưng chúng cứ chạy.

Cho đến lúc Namjoon gập người chống hai tay xuống đầu gối thở hổn hển, cậu bé nhận ra mình đang đứng ở một bãi đất trống. Đến cỏ còn không thể mọc lên, cái mảnh đất này trù phú đến mức người ta không cưỡng lại nổi sức hút của nó, thành ra ai nấy bảo nhau cắm mặt xuống đất lầm lũi cả một đời không ngóc đầu lên nổi, cũng chẳng đi được đến đâu.

Cậu bé thấy Hoseok xỏ giày vào chân, đôi giày vốn được bọc qua một lớp túi nhựa rồi đặt cẩn thận trong cặp sách, và rồi cậu bé xoay một vòng làm động tác cúi chào, rồi lại xoay thêm một vòng nữa, trong hân hoan và sung sướng, cậu bé Hoseok hát vang, ngửa cổ lên trời mà cười khanh khách, uyển chuyển như một chú nai nhỏ, hòa mình làm một với nhịp điệu của những cơn gió vút qua, đọng lại trên đôi vai gầy là những đọt nắng. Giữa trời cao đất rộng là một Jung Hoseok khoan khoái nhảy múa như thể cậu đã nhảy múa như vậy từ khi mới cất tiếng khóc chào đời.

Hoseok cầm lấy tay Namjoon rồi cả hai cùng xoay vòng. Namjoon bắt chước Hoseok, ban đầu chỉ nhịp nhịp từng bước nhỏ, rồi cậu bé cũng thích thú khi nhận ra trong đầu mình đang vang lên một bản nhạc. Một bản nhạc mà cậu chưa từng được nghe qua! Cậu vung tay, cậu đá chân, Hoseok làm theo cậu, cả hai cùng nhau nhảy múa cho đến khi mồ hôi ướt đẫm lưng áo.

‘Được rồi, vậy thì bây giờ đến lượt tớ cho cậu xem thiên đường của tớ.’

Namjoon lau mồ hôi trên trán Hoseok, cười rộ lên thích thú. Cậu bé lấy trong cặp sách ra một miếng gỗ nhỏ mà cậu bé đã xin được ở nhà một người thợ mộc từ khi không còn gỗ đã không thể làm thợ mộc được nữa, đặt miếng gỗ ngay ngắn trên đùi, cậu bắt đầu nhịp nhịp tay lên tấm gỗ, nhanh dần rồi nhanh dần, từng tiếp trầm đục nối tiếp nhau ấy thế mà lại tạo thành giai điệu, những âm thanh có một quy tắc riêng. Hoseok reo lên vui vẻ, cậu bé cũng đặt tay lên tấm gỗ nhỏ, vừa nhìn Namjoon vừa làm theo. Cậu bé yêu những âm thanh này. Chúng thật ngăn nắp, chúng thật gọn gàng. Cậu bé nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán Namjoon, rồi lại nhìn nắng nhảy nhót trên bàn tay mình. Ngón tay cậu như đang miết lên nắng, chạm vào những tinh khôi nhất để tạo nên những giai điệu sống động nhất.

Hai đứa trẻ, giữa một bãi đất trống trong cái buổi trưa nắng chang chang, đã tìm thấy thiên đường của mình.

{ Rain&Cry. } [Oneshot | NamSeok] Tragedy of the Commons

download

Author: Trịnh Ánh

Category: PG

Summary: Tragedy of the Commons – Bi kịch của mảnh đất công, là một thuật ngữ kinh tế học chỉ hiện tượng các tài sản chung được phép sử dụng tự do dẫn tới việc khai thác kiệt quệ các tài nguyên này. Thuật ngữ này do Garrett Hardin đặt ra trong bài nghiên cứu có tiêu đề “Tragedy of the Commons” của ông đăng trên tạp chí Science năm 1968. – theo Wikipedia.

Hoseok dấp nước thấm ướt mẩu giấy ăn, lặng lẽ lau sạch máu ộc ra từ hai cánh mũi đã đỏ ửng lên. Nheo mắt nhìn vào trong gương, đôi mắt vằn lên những tơ máu trợn trừng lên nhìn hình ảnh phản chiếu của chính mình một cách đầy thách thức. Chỉ thẳng tay vào trong gương, Hoseok quát lớn:

‘Thằng ranh, mày là thằng nào mà dám nhìn tao?’

Một vào con thiêu thân bay qua bay lại trước chong đèn.

Tiếng quát một lần nữa vang lên, nhưng đã trở nên cục cằn hơn bao giờ hết:

‘Đồ nhãi nhép, mày nghĩ mày là ai chứ hả? Hèn nhát đ*o có tương lai mà dám thách thức tao ấy hả?’

Hoseok vò nát mẩu giấy trong tay, chồm người về phía trước, quỳ trên bồn rửa tay, đấm vào tấm gương một cái thật mạnh, rồi lại đấm thêm một phát nữa, cho đến khi người luôn đứng bên ngoài nhà vệ sinh nam buộc phải xông vào kéo cậu trở về với ‘thế giới con người’.

Namjoon ôm chặt lấy Hoseok vẫn còn đang quẫy đạp cật lực tìm cách để thoát li khỏi cái thực tại đáng buồn rằng họ buộc phải quay trở lại phòng học sau hai phút nữa và hai phút thì chỉ có khoảng một trăm hai mươi giây vì sao lại nói là khoảng ư bởi vì thời gian vẫn đang trôi đi không cần ai dồn đuổi sau lưng và hai phút đã không còn là hai phút nữa mà là một khoảng nào đó ít hơn hai phút và Namjoon đang cảm thấy đau đầu hơn bất cứ lúc nào khi cái đề bài giải tích vẫn kẹt cứng trong một động mạch nào đó bên trong não.

Bực mình, cậu đẩy mạnh Hoseok vào tường một cái, trong khi cậu đang cố gắng để làm điều mà người lớn yêu cầu tất cả những đứa trẻ như cậu phải làm theo thì Hoseok ở đây với khát vọng dở người muốn chối bỏ mọi thứ liên quan đến sự cục súc của loài người ở đây.

Không phải là Namjoon không hiểu nguồn cơn của những cú vùng vằng muốn được thoát thân để chìm vào thế giới của riêng mình kia. Chỉ là nếu như cố tình làm khác đi với tất cả những người khác, kết cục còn đáng buồn hơn cả việc không được sống là chính mình, một lần. Mà thoát li để làm gì, trong khi thực tế là kẻ duy nhất mà Hoseok có thể đánh bại chỉ là hình ảnh phản chiếu của chính cậu ta trên cái gương cả ngàn năm không lau một lần ở nhà vệ sinh cuối hành lang tầng trệt?

Hoseok ngẩng đầu lên nhìn Namjoon, rồi bật cười hối lỗi, lẳng lặng theo sau Namjoon quay trở lại phòng học. Quý ngài Giáo Viên Dạy Môn Tự Nhiên chắc chắc sẽ không cho phép họ chậm trễ lấy một tích tắc nào và họ không muốn giành giật cơ hội ở lại sau giờ tự học buổi tối để làm thêm bài tập (sau đó đón bình minh lên trên ngôi trường trung học yêu dấu này) với những đứa trẻ khác đang chạy thục mạng từ phía nhà ăn lên các tầng, trong tay vẫn còn cầm bữa tối nguội ngắt hẵng dang dở. Dĩ nhiên là Quý bà Giáo Viên Dạy Môn Xã Hội sẽ chỉ cho họ nghe một bài thuyết giảng về ý nghĩa sống còn của việc học và rằng họ sẽ ra sao nếu không thể tốt nghiệp cấp ba rồi tìm một trường đại học cho ra hồn để không phụ lòng mẹ cha không phụ công nhà trường, nhưng Quý ngài Giáo Viên Dạy Môn Tự Nhiên thì chắc chắn không.

Cải cách là một phương pháp vô cùng hữu hiệu để lưu lại dấu chân mình trên cát khắc tên mình lên đá không những thế còn có thể khiến cho tim người khác hằn sâu hình ảnh của mình. Lĩnh hội được tư tưởng và đường lối sáng tạo kiệt xuất đầy vĩ mô ấy, Quý ngài Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục đã thể hiện lòng nhiệt thành đối với việc kiến thiết sự học-toàn-diện của học sinh trên toàn đất nước xinh đẹp này bằng cách ‘thay đổi một chút không đáng kể’. Và quả nhiên, chỉ sau một đêm, toàn bộ giáo viên là học sinh từ cao nguyên đất đỏ cho tới đồng bằng chiêm trũng, từ núi non hiểm trở mây mù cho đến bờ bãi hồ vịnh đều lập tức nhớ được cái tên và nụ cười khả ái tỏa ra nắng ấm mùa thu của Quý ngài Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục đáng kính, đáng mến, sở hữu sự tự tin trời sinh, nói là làm, không làm được thì thôi.

Nhưng trách cứ cũng chẳng được gì, vì kể cả khi không có những sự cách tân thì Hoseok và Namjoon vẫn phải đến trường để tự học vào buổi tối như bình thường.

‘Cậu ổn hơn rồi chứ?’

Namjoon thì thầm với Hoseok khi cả hai băng qua hành lang tiết kiệm điện của nhà trường, hành lang không có lấy một ngọn đèn nhưng lại có tới hai camera giám sát có hồng ngoại để ghi hình trong đêm, đảm bảo không một học sinh nào có thể lẻn ra đây hút một điếu thuốc hay trốn tiết buổi tối.

Không thấy cậu trả lời, Namjoon quờ tay về phía sau nắm lấy tay Hoseok. Tay cậu lạnh ngắt. Nhét bàn tay mình đang siết lấy tay Hoseok vào trong túi áo khoác, Namjoon kéo cậu tiếp tục bước đi. Thời gian thực sự không còn nhiều và lần này rất có thể không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành một bài tập bao gồm năm mươi chín câu trắc nghiệm nữa đâu.

Đi sát bên cạnh Namjoon, đến lúc này Hoseok mới khẽ khàng nói:

‘Ban nãy cậu có cảm nhận được mặt đất hơi rung lên không?’

.

Bên trong phòng học, tiết của Quý ngài Giáo Viên Dạy Môn Tự Nhiên.

Đúng như dự đoán, kha khá học sinh đã méo mặt khi nhận được tờ đề chỉ-một-bài-tập của vị nhà giáo nhân dân vẫn đang quát tháo không ngừng và lăm lăm cái thước gỗ trong tay chém vào không khí cứ phải gọi là phần phật để học sinh có kĩ năng làm bài tập về hình học không gian mà không cần phải vẽ hình, một trong danh sách năm trăm nghìn kĩ năng tối thiểu phải có của các thanh niên năm tốt có thể đỗ đại học trong năm nay.

Để tiếp nhận sự duy tân này, vị nhà giáo mẫu mực đã phải lê lết cái thân già lên tận sở giáo dục để ngồi yên đến mức cứng đờ trên ghế gỗ suốt năm tiếng đồng hồ của một cuộc đời dài rộng, nhắm mắt lim dim để tạo nên không gian mơ màng bồng bềnh của chốn bồng lai, có như vậy thì tinh hoa khai sáng mới nhanh chóng thấm nhuần. Sau khi từ mặt trận sở giáo dục về đến quê hương xứ sở, vị nhà giáo mà tất cả phải tôn thờ kết luận học sinh và giáo viên đang dùng nhau bơi qua Đại Tây Dương mà không cần phao, và ngài buộc phải lĩnh hội đến đâu thì dạy cho học sinh đến đấy.

Ai quát người đó tiếp tục quát. Ai hí hoáy viết người đó tiếp tục viết. Ai ngủ gật người đó tiếp tục ngủ. Quả nhiên là tầm vóc của thế hệ ba không, thân ai người nấy lo.

Hoseok vẫn chìm đắm trong suy nghĩ về việc liệu mặt đất có rung chuyển hay không cho đến khi Namjoon chỉ kịp kéo tay một cái và chiếc thước gỗ chính thức tịnh tiến vị trí từ cao cao tại thượng xuống bàn tay đang cầm bút chì của Hoseok. Thật kì diệu, chiếc thước gỗ huyền thoại gãy làm đôi.

‘Tôi cho em ba giây biện hộ cho sự lơ đễnh của mình. Đầu giờ thì nói nhăng nói cuội về động đất với chẳng thảm họa, giờ thì bài tập không làm. Em không muốn tốt nghiệp đúng không?’

Quý ngài Giáo Viên Dạy Môn Tự Nhiên hét lớn bằng giọng nam cao the thé trong khi Hoseok đau đớn bọc chặt lấy bàn tay vừa tiếp nhận một cú đánh trời giáng đúng điệu bên trong túi áo khoác, rồi ngài sửng sốt nhìn Namjoon đứng lên.

‘Là do em khiến cậu ấy không thể tập trung, em xin lỗi thầy.’

Cả lớp nín thở. Một học sinh ngồi cạnh cửa sổ cúi đầu, khẽ thì thầm: ‘Kim Namjoon-ssi, em có biết rằng…’

Cùng lúc đó, giọng nam cao đã không còn the thé kia vang lên bên tai.

‘Kim Namjoon-ssi, em có biết rằng em đang làm gì hay không?’

Quả nhiên vị giáo viên nhân dân không có ý định sử dụng mẫu câu khác mỗi khi lớp trưởng yêu quý của lớp quyết định một lần nữa bao che cho bạn cùng bàn của cậu ta.

Vào giờ nghỉ, Namjoon nói rằng nếu còn nghe câu hỏi ấy thêm một lần nữa, chắc chắn cậu sẽ khảng khái mà rằng nếu như cậu ấy không biết bản thân đang làm gì thì cậu đã chẳng làm, nhưng tiếc rằng cậu không muốn tự gia tăng nguy cơ bị đuổi thẳng cổ khỏi ngôi trường cậu đã dùng sức mình để thi vào của mình.

Hoseok đờ đẫn nhặt bút chì nằm lăn lóc dưới đất của mình lên, nói bằng giọng khô khốc:

‘Em sẽ ở lại để làm bài.’

Sự khác lạ trong giọng nói của Hoseok khiến Namjoon không khỏi giật mình. Vị giáo viên mỉm cười:

‘Tất nhiên là em phải làm bài cho đến khi hoàn thành.’

Cả lớp lại một lần nữa chìm trong im lặng, tất cả tiếp tục làm bài. Chỉ còn nghe được tiếng kim đồng hồ và tiếng bút chì sột soạt trên giấy.

‘Này, cái lọ hoa, có phải nó đang chuyển động không?’

Một giọng nói vang lên.

‘Chắc hoa mắt thôi. Làm bài đi.’

Ở một góc nào đó có một tiếng trả lời.

‘Không, nó đang chuyển động thật kìa…’

Tất cả học sinh đều ngẩng đầu lên nhìn, lọ hoa đặt trên bàn giáo viên gần như nảy lên khỏi mặt bàn, rung lên bần bật rồi rơi xuống đất vỡ tan tành. Tiếng xôn xao nhốn nháo ngày càng lan rộng ra khắp cả phòng học. Mà không chỉ riêng bốn mươi mấy học sinh ở đây, tiếng bàn tán từ các lớp khác cũng cứ thế nối tiếp nhau như từng đợt sóng cuộn tung bọt trắng xóa. Học sinh ngó đầu ra từ các phòng học. Vẫn có thể nghe thấy tiếng quát tháo yêu cầu tất cả học sinh phải trật tự ngồi học từ vị giám thị đang cầm đèn pin đi kiểm tra hành lang. Tiếng ai đó gào lên một mẫu câu quen thuộc các em thay đổi rồi, không chăm chỉ như các anh chị khóa trước, thế này thì thi đại học làm sao, chẳng bù cho chúng tôi ngày xưa… Tiếng ai đó yêu cầu tất cả học sinh phải ở yên trong phòng học cho đến khi có sự cho phép ra khỏi lớp của thầy cô… Tiếng ai đó gào lên rằng kỉ cương kỉ luật của cái lớp này ở đâu…

Nhưng trong suy nghĩ của tất cả, chỉ có hai tiếng bật lên. Động đất.

Phải, sẽ có động đất, và ngôi trường này có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Và hàng nghìn học sinh đã vĩnh viễn không thể về nhà từ chuyến phà Sewol, chỉ vì người ta yêu cầu chúng ‘hãy ngồi yên tại chỗ’.

Không ai bảo ai, tất cả vùng lên chạy ào ra khỏi các phòng học. Namjoon bị xô về phía trước, dùng hết sức bình sinh nhoài về phía sau tìm kiếm Hoseok.

Hoseok, cậu đang ở đâu?

Này, Jung Hoseok, cậu đâu rồi?

‘Có ai nhìn thấy Hoseok không?’

Không một ai đáp lại tiếng hét của Namjoon, tất cả chạy rầm rập xuống qua cửa thoát hiểm, chỉ còn tiếng la ó sợ hãi tột độ khi nhìn thấy vết nứt chạy dọc theo bức tường. Namjoon tách đám đông hoảng loạn, chạy ngược về phía phòng học. Hoseok vẫn đang ngồi đó, một tay giữ chặt hộp bút để nó không rơi xuống đất, mồ hôi túa ra như tắm, bàn tay hẵng còn chảy máu run rẩy cầm chặt cây bút chì, tỉ mẩn nháp từng con số lên mặt giấy.

‘Đồ điên này!’

Namjoon giận giữ giật lấy tờ giấy trên mặt bàn, rồi ngây người nhìn Hoseok. Cậu ta lúc này giống hệt như khi điên cuồng đánh đấm hình ảnh của mình trong gương. Hoseok nghiêng đầu, rồi bất thình lình nhào về phía trước, túm chặt lấy cổ áo Namjoon.

‘Tất cả các người đều không tin tôi… Tại sao không ai buông tha cho tôi… Tất cả cái lũ chó má các người, tại sao tất cả chỉ chĩa mũi dùi vào một mình tôi…’

Namjoon ghì chặt lấy Hoseok trong lòng mình, cố gắng nhấc cậu lên hướng về phía cửa phòng học. Hoseok nằm trong lòng Namjoon, không ngừng quẫy đạp, vươn tay những muốn cào lên mặt Namjoon.

“Cút! Tất cả cút hết đi… Haha để cho tôi yên, tôi phải thi đại học chứ nhỉ haha tránh ra… Namjoon à Namjoon đâu rồi…’

Rồi Hoseok ngẩng đầu lên, như chợt nhận ra điều gì, cậu đưa tay lên vuốt ve vết thương do chính mình tạo ra trên mặt Namjoon, rồi cười sằng sặc như lên cơn điên.

‘Namjoon ơi Namjoon à…’

Namjoon mím môi thật chặt, lao nhanh xuống cầu thang. Do mắt cậu hoa lên, hay thực sự có nhiều bậc cầu thang hơn mọi lần? Ôm chặt lấy kẻ nửa mê nửa tỉnh trong lòng, cậu nhận ra mình đang rơi xuống.

Từng đợt rung lắc ngày một rõ ràng hơn.

Một vết nứt lớn chạy dọc trên trần nhà. Đèn vụt tắt.

[Oneshot | NamSeok] No man’s Land

no-mans-land-and-restricted-area-of-the-un-buffer-zone-in-the-green-line-dividing-cyprus-famagusta-joe-fox

Author: Trịnh Ánh

Pairing: NamSeok

Categories: K+, Satire, SE

Summary: “Chiến tranh.”

Nắng cháy. Gió thổi u u. Bản giao hưởng của xương vang vọng.

Nếu chủ nhân của chiếc hộp sọ kia biết được cho đến lúc chết mình vẫn có thể cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật nước nhà, hẳn anh ta phải phấn chấn lắm, cũng có thể anh ta sẽ phát cuồng lên vì kích động, nhảy cẫng lên trong cơn cao hứng và xoay vòng vòng trong không trung vì vui thích. Tiếc rằng, anh ta quá bận rộn trong việc hiểu rằng mình đã lĩnh trọn vài viên kẹo đồng và nằm xuống phơi mình trong nắng gió. Nhưng hay ho nhất ở chỗ anh vẫn không hiểu vì sao mình lại có mặt ở đây thay vì ngồi bên bàn ăn ở một căn nhà nhỏ nào đó cách xa chốn này cả trăm dặm, cạnh người vợ trẻ trung xinh đẹp vừa mới trở thành người phụ nữ của riêng anh cách đây chưa đầy 4 tháng.

Trang nhất của các tờ báo nói anh ra trận. Đồng bào ngợi ca anh, người con quả cảm của một đất nước vĩ đại. Láng giềng tung hô anh, gọi anh là người đứng trong đội ngũ của các vị thần. Gia đình tự hào vì anh, dù họ không cầm nổi nước mắt khi nghĩ về tương lai rộng mở dẫn thẳng đến địa ngục của con trai mình.

Nhưng anh ta không ra trận. Anh ta tham gia vào một cuộc viễn chinh không ngơi nghỉ của một người đứng đầu ham học hỏi, ưa khám phá và đặc biệt đã thể hiện mình là một nhân vật cực kì xuất chúng trong việc gây thù chuốc oán với bạn bè năm châu. Nhờ công lao ông ngày đêm suy tính rào trước đón sau đến bạc cả tóc, chúng ta đã được chứng kiến khung cảnh huy hoàng tráng lệ trên chính mảnh đất mình đang sống.

Chiến tranh.

.

Một đứa trẻ lầm lũi bước đi, tay kéo lê một thứ gì đó xem chừng vô cùng nặng nề. Nó cứ bước đi mãi, bước qua dây thép gai, thở phì phò nhọc nhằn nhưng nhất quyết không buông tay. Chiến hào bị bỏ lại phía sau lưng.

Một đứa trẻ, chân không giày, đầu không mũ, kéo lê kéo lết một thứ gì đó mãi không chịu buông, đôi mắt mờ đục ngây dại, dãi dớt thòng lòng, cả thân hình lắc lư không ngừng di chuyển như đang bị hút về phía trước, thì có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất có thể là lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa. Hai là bị thần kinh. Và như mọi khi, thì phương án thứ hai luôn luôn đúng. Mà một kẻ thần kinh thì muốn rời khỏi nơi nào càng xa càng tốt? Dĩ nhiên, là trại thương điên.

Đằng sau chiến hào kia, thực sự chính là một trại thương điên.

Đằng sau chiến hào của đối phương, lại là một trại thương điên khác.

.

Một đứa trẻ đang gắng gượng nâng một bao đất đặt lên trên hàng đống các bao đất khác để một thứ mà người lớn gọi là “chiến lũy” thêm kiên cố và vững vàng. Quần xắn lên tận bẹn, đôi chân gầy gò sì sụp trong bùn lầy, nước đọng, mồ hôi túa ra thấm đẫm cả một mảng lưng áo, những vết bẩn quệt ngang quệt dọc trên khuôn mặt ngày càng hốc hác, xanh lét. Hẳn là đứa trẻ đó phải đấu tranh tư tưởng kinh khủng lắm mới có thể tiếp tục thực hiện công việc của mình, bên cạnh hàng chục những đứa trẻ trông chẳng khác gì mình là mấy. Dưới này, đến cả chuột, rắn, bọ chét, họ còn không chiến đấu lại được, mất công xây thành lũy để chống lại bọn người tận đẩu tận đâu làm gì cho nhọc xác phàm không biết.

Vài viên sĩ quan nằm trong các hốc nhỏ bên trong hào, tranh thủ chợp mắt mà nằm mộng đẹp. Chẳng biết còn có cơ hội rúc vào trong cái ổ này thêm lần nào nữa hay không, nên còn thời gian thì tạo ra càng nhiều kí ức sống động trong cái khung cảnh trữ tình này thì càng tốt. Tiếng máy bộ đàm khò khè tranh thủ vang lên góp vui, phải căng tai ra mới nghe được bập bõm vài tiếng, chưa kịp hiểu gì thì đã lại tắt ngấm, nhưng có người cả ngày ngồi đực mặt ra mặc cho chuột gặm ống quần chỉ để nghe một vài thông tin như thế. Đáng ra anh ta có thể chăn ấm nệm êm, trong một căn hộ nào đó của một khu chung cư nào đó, và không bao giờ bị chuột gặm ống quần. Nhưng như đã nói, thì vì dân tộc anh đang đi cắn một con chó vừa mới cắn mình, và đối thủ của họ hoàn toàn không phải dạng dễ chơi, nên anh phải ngồi một đống ở đây, ngẩn ngơ đờ đẫn khiến nhiều người đi ngang qua phải đứng lại, xua xua tay trước mặt anh xem anh còn sống hay đã hi sinh vì Tổ quốc dấu yêu. Phải, họ đang đấu với một thằng gã được mệnh danh là ngu si một cách thiên tài. Đời tệ quá.

Ban đầu, thắng bé khai gian tuổi để có thể theo chân mọi người lên đường ra tiền tuyến, mặc cho mẹ nó gào khóc khổ sở vật vã từ khi nó xốc lại ba lô trên vai cho tới tận bây giờ. À đấy là nếu như bà ấy còn sức để mà gào khóc. Tất cả đều đã cạn kiệt sức lực mất rồi. Ban đầu, lên đường trong cơn say sưa của niềm tin mình đã góp một phần sức lực vào cuộc viễn chinh, à không, và công cuộc đứng lên giành lại những gì đã mất (nhưng cá là những gì người đứng đầu mất không nhiều bằng những gì nhân dân hi sinh, một vài câu xúc phạm hay một vài tấc đất không thể nào so sánh với trăm nghìn mạng người được). Cái này, người ta gọi là “máu đồng bào”. Bình thường thì chẳng bao giờ thấy ngoi lên sưởi nắng, nhưng chỉ cần vì màu cờ sắc áo, triệu triệu thanh niên sẵn sàng đứng lên để bảo vệ non sông. Khá lắm! Khá lắm! Tổ quốc ghi công các anh! Đất nước vĩ đại đời đời nhớ ơn các anh!  Dù không biết các anh mồm ngang mũi dọc ra làm sao, cao trên mét tám hay cao dưới mét sáu, chúng tôi vẫn hướng về các anh bằng cả tấm lòng thiết tha! Còn bây giờ, các anh chiến đấu đi, quên mình đi, cống hiến đi, đừng nghĩ cho bản thân, đừng suy tính thiệt hơn, đừng so đo xét nét, chỉ cần biết người ta sẽ ghi công anh là được, và gia đình anh sẽ có trợ cấp gia đình thương binh liệt sĩ nếu anh mất một tay, què một chân hoặc tìm mãi vẫn không thấy đầu mình rơi ở vĩ tuyến bao nhiêu.

Cuối cùng cũng đã hoàn thành công việc, đứa trẻ bò rạp xuống đất, thở nặng nhọc, tiếp nhận lấy phần lương thực của ngày, nhai ngấu nghiến thứ đóng tảng dai dai trong tay (chúng ta không nhất thiết phải biết đó là thứ gì, vì nếu biết, dễ khi không nuốt trôi được, có cái ăn thì dù là cái gì cũng nên trân trọng), húp từng ngụm nước nhỏ trong bi đông. Nhân tiện nhắc đến bi đông, một trong những mong ước của những đứa trẻ vật vờ trong chiến hào, chính là nước trong bi đông có thể đầy lại ngay sau khi uống. Ước mơ nhỏ nhoi thôi ấy mà. Đột nhiên, nó nghĩ đến việc đi ra khỏi hào. Nghĩ là làm, nó đứng lên, men theo bờ hào và leo lên trên. Bị phạt sẽ là một điều hiển nhiên, nhưng trẻ con ấy mà, phải vui cái đã.

Đường đi quanh co, chỗ nào cũng toàn sình lầy, nước tù, giữa ban ngày mà vẫn tối tăm. Không khí không lưu thông, đặc quánh lại, mang theo một dư vị chết chóc hết sức điển hình. Không phải lần đầu tiên nó trèo lên phía bên trên mặc cho rất nhiều lời mắng nhiếc và thậm chí là cả đòn roi có thể giáng xuống đầu. Nó đã trèo lên đây, gần như hàng ngày, chỉ để nhìn về phía bên kia, nơi quân của đối thủ đang chiếm đóng, và rồi thử hình dung xem có ai cũng giống mình, nhìn về phía bên này hay không. Tất cả những gì nó thấy, là một hàng rào thép gai dựng bên trên chiến hào giống hệt như bên mình, đằng sau nó hiển nhiên sẽ lúc nhúc toàn người là người và một số sinh vật hiền hòa đáng yêu không phải con người, với một vài họng súng đen ngòm, và rất có thể là một kẻ đần độn khác đang ngồi bên cạnh máy bộ đàm. Ừ thì tất cả các bệnh viện tâm thần trên thế giới đều khá giống nhau cả mặt trong lẫn mặt ngoài.

Nằm giữa hai chiến hào, là một khoảng đất rộng mênh mông vô cùng, với những chân tường thấp lè tè và vài đụn cỏ nhìn lên trời cao bằng con mắt ai oán chán đời. Trước đây, nó là một thị trấn sầm uất. Bây giờ, nó là sân chơi tập thể của tận hai trại thương điên. Nói đơn giản, chỉ một vùng không bên nào dám xâm lấn hay chiếm đóng vì sợ sẽ bị đối phương đánh úp. Bản thân nó chính là vùng trung gian.

Lệnh ngừng bắn, ba từ đem lại điều kì diệu cho cả hai bên, vài ngày hiếm hoi, không nổ súng, không khói lửa ngùn ngụt, không có tiếng gào thét khản cổ, không gì cả, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn bệnh nhân tâm thần tạm thời náu mình, và “sân chơi” thì vắng vẻ một cách không cần thiết. Trước cơn giông tố, trời yên biển lặng. Nhưng vì đây là trên cạn, hẳn là không sao đi.

Đứa trẻ đưa một bàn tay lên che bớt ánh nắng chói chang, nheo nheo mắt nhiều lần để quen với ánh sáng bên ngoài. Nó rùng mình vì cảm nhận sự ấm áp bao bọc lấy thân hình. Nó nhìn ngắm bầu trời cao rộng, núi non, chiến hào, xác chết, xương người, vỏ lựu đạn, bi đông móp méo biến dạng, và ti tỉ thứ khác người ta có thể tìm thấy ở chiến trường. Tất cả ngập ngụa trong bể máu. Nhưng hình như hôm nay, có gì đó khang khác. Một thứ tốt hơn hết không nên xuất hiện ở tiền tuyến.

Một người đang di chuyển từ chiến hào phía bên kia, qua vùng đất trung gian. Một người, không cao lớn lắm, và kéo lê theo một thứ gì nó hình như sinh ra không phải là để kéo lê. Người đó, đang kéo theo một người khác. Từng bước đi tuy không nhanh, nhưng cứ thế mỗi bước lại tiến gần hơn với chiến hào bên này thêm một chút. Đứa trẻ bắt đầu cuống lên, nó lấm lét nhìn ngang nhìn dọc, cắn chặt môi đầy lo lắng. Rồi nó cuống quýt trượt từ trên hào xuống, xắn quần lên lội qua nước, rồi chạy. Lần đầu tiên, nó tiến vào vùng trung gian. Không phải là một thành tích đáng tự hào. Bất cứ ai cũng có thể bắt tỉa nó từ phía bên kia, kể cả khi có lệnh ngừng bắn, và thế là hai bên sẽ bắn nhau tơi bời hoa lá chim muông, sử sách đời sau sẽ ghi lại vì có hai đứa dở người đi vào vùng trung gian, một trong hai đứa chết, thế là cả đội quân vì báo thù cho đứa trẻ – mà họ phải điểm danh lại toàn bộ trẻ con khai gian tuổi đang lả lướt trong chiến lũy thì mới biết được tên – xông lên chiến đấu, và hi sinh. Thực tế thì, họ đánh nhau vì người đứng đầu thích thế thôi. Nếu họ không làm theo, họ sẽ chết. Nếu họ làm theo, họ cũng sẽ chết. Mà đằng nào cũng phải chết, ít nhất cũng phải để gia đình ở hậu phương có một khoản trợ cấp nho nhỏ gọi là báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục.

Nó phóng vèo vèo qua những bức tường đổ rạp, qua những thứ đã từng là cây cối, từng là giếng nước, từng là nhiều thứ khác tạm thời nghĩ không ra bởi hình thù vặn vẹo khó hiểu của chúng. Nó muốn biết người kia là ai, và vì sao người đó lại thần kinh đến mức độ dám đi vào vùng trung gian. Chưa bao giờ, nó chạy nhanh như thế trong suốt cuộc đời chưa được dài cho lắm của mình. Mạn sườn đau nhức. Mắt hoa lên. Nhưng nó thây kệ tất cả. Người kia, nếu bị phát hiện, sẽ là ngòi nổ của một cuộc chiến kinh hoàng trong cái ngày đầu tiên lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Người kia, rất có thể sẽ chết, ngay khi người bên mình đổi lượt canh gác, người đang gật gù ngủ gật sẽ được thay thế bằng một người đã ngủ tương đối đủ giấc. Và không một ai đáng phải chết, hay được mượn tên để nhét vào một trang nào đó trong sách giáo khoa, cho nên, phải nhanh lên.

Khi đã tiến lại gần người kia, đứa trẻ dừng lại, gần như ngã khuỵu xuống. Em chống tay xuống đầu gối, thở hổn hển, rồi cố đứng thẳng dậy, nhìn người kia. Là một đứa trẻ khác, nhưng là người của quân bên kia. Thân hình khẳng khiu của nó, nước da tái nhợt cùng đôi mắt vô thần của nó khiến em giật mình hoảng hốt, theo phản xạ lùi về phía sau một bước. Rồi như chợt nhớ ra mục đích của mình, nó tiến lên, dùng một tay chặn lại đứa trẻ ngang tuổi vẫn đang lầm lì không nói năng một nửa lời và quyết tâm tiến về phía trước kia. Đột nhiên, người đứa trẻ nhũn ra, hai đầu gối khuỵu xuống, toàn bộ sức nặng đổ ập lên người nó, khiến nó ngã phịch xuống đất. Trong lúc nỗ lực không ngừng để đẩy thân hình da bọc xương đang gục trên người mình, nó nhìn thấy thứ mà nó đã kéo theo từ chiến hào bên kia. Đúng như dự đoán, là một người, và đứa trẻ kia vẫn đang nắm chặt lấy cổ chân người đó. Người đàn ông nằm trên một tấm vải bạt lớn, giống như người kéo đi cố tình làm như vậy, để ông ta có một hành trình êm ái hơn.

Nhưng người này… Tất cả những gì người ta có thể bật ra trong đầu ngay khi nhìn thấy ông ta, là một chiếc xe tăng to lớn băng băng đi qua đủ mọi loại địa hình.

Phần đầu gần như lìa ra khỏi phần thân, lệch hẳn về một phía, toàn bộ xương mặt vỡ nát, trũng hẳn xuống, xương đâm vào thịt, thịt lại gắn vào xương, hai con ngươi lòi ra, quai hàm xướng đã rụng từ bao giờ, tổng thể mang một vẻ đẹp mang tính trừu tượng mà không phải người nào còn hít thở cũng dễ dàng hình dung. Thân trên hẳn sẽ vô cùng vạm vỡ, nếu như không bầy nhầy nhớp nhúa bê bết máu khô đã chuyển sang màu nâu sậm. Quân phục trên người, bây giờ chỉ là một cái bọc lớn đựng đầy xương sườn, tim gan phèo phổi, lõng bõng máu đông, trên đường đi đã rơi ra không ít thịt vụn. Cánh tay bị gãy chồi hẳn một đoạn xương trắng hếu ra bên ngoài, đẫm máu chẳng kém. Nếu như bây giờ anh ta đang đứng chứ không nằm, hẳn là cánh tay ấy sẽ lủng lẳng lủng lẳng như quả lắc của đồng hồ, đôi chân găm đầy đạn kia mỗi bước đi lại nhún xuống một chút, rồi từng khớp từng khớp lỏng lẻo rời nhau ra, vỡ tan tành. Hẳn sẽ là như thế, nếu như anh ta còn có thể đứng lên.

Lấy hết sức bình sinh hét lên một tiếng yếu ớt trong nỗi khiếp đảm, nó hất văng cái của nợ đang đè lên người mình và mặc kệ người đàn ông sẵn sàng rời vòng tay mẹ hiền để lao vào chốn đạn lạc tên rơi, phóng như bay càng xa càng tốt, náu mình đằng sau một bức tường vẫn chưa đổ sập.

Con quái vật. Cậu ta, và cả cái xác chết tức tưởi của cậu ta, tất cả đều là quái vật.

Em lấy mẩu thức ăn mình trong túi áo ra, run rẩy đưa lên miệng gặm lấy gặm để. Những gì mà em vừa tận mắt chứng kiến thực sự quá đáng sợ. Không phải ngày nào, bạn cũng có cơ hội được diện kiến một cái xác nằm bẹp bên dưới bánh xe tăng như thế này đâu. Em dúm dó cố gắng co người lại đằng sau bức tường, gục đầu xuống thở dốc, vẫn chưa thể hoàn hồn, nước mắt ứa ra trong nỗi kinh hoàng. Rồi em hít một hơi thật sâu, vươn người nhìn qua bức tường, lá chắn duy nhất cho đến thời điểm hiện tại, cố gắng ép thật sát người xuống đất để người canh gác của cả hai phía không nhìn thấy. Nhét lại một chút thức ăn còn lại vào trong túi, em bò chậm chạp về phía đứa trẻ vẫn đang nằm gục trên đất. Rụt rè, sợ hãi, em thử kéo thân hình cò hương kia về phía mình, gỡ bàn tay nắm chặt kia khỏi cổ chân gắn liền với cái thân hình bê bết nát bươm vẫn đang nằm sưởi nắng. Cái cổ chân rơi phịch xuống khiến em giật mình theo một lần nữa chỉ trong vài phút ngắn ngủi, em ghì chặt đầu người kia vào ngực mình, kéo cả hai chân gác lên đùi mình, rồi dùng cả hai chân mình đẩy cả người trong tư thế ngồi-giật-lùi về phía sau. Giữa cái chốn chó ăn đá gà ăn sỏi và không biết người mình sẽ được đục một lỗ thông gió vào lúc nào, chọn tư thế di chuyển đẹp mắt như vận động viên thể dục nhịp điệu để cho ai ngắm? Cho cái đống hổ lốn đang phơi thây ở kia nhìn ấy hả? Thôi thì toàn mạng cái đã. Có cái mạng là có tất cả. Em không quên đập mạnh vào mông người kia một cái, bặm chặt môi, tức nổ đom đóm mắt, này, nhìn gầy gầy xương xương mà sao nặng thế hả?

Chẳng mấy chốc, em đã ngồi-giật-lùi về chỗ ẩn náu của mình đằng sau bức tường lớn, chống một tay xuống đất để ngồi cho thẳng thớm. Người kia vẫn nằm trong lòng em, ngoan ngoãn như một con cún con. Em thở dài, ngửa cổ lên nhìn trời. Thương người để làm gì? Chạy nhông nhông vào vùng trung gian để làm gì? Chỉ vì một suy nghĩ cao cả không muốn ai phải chết oan mà quyết định để tên mình nằm trong danh sách dự bị ghi vào sách giáo khoa? Chỉ vì một người không quen biết mà lao đi như bay vào vùng trung gian, làm một hành động cả đời chẳng bao giờ dám nghĩ đến, nuốt cả nỗi sợ cái đống thịt xương chẳng ra đâu vào đâu kia để quay lại cứu cậu ta, có đáng không? Nghĩ đến đây, em thở dài ngao ngán, lắc lắc đầu cho đỡ váng. Em lay người đang nằm trong lòng thật mạnh.

Này, Quái Vật, dậy đi cho tôi nhờ.

Này, nằm mãi thế là không được đâu đấy.

Này…

Mí mắt nhắm nghiền của đứa trẻ kia rung rung rồi từ từ mở ra, nheo nheo lại vì nắng gắt, cố gắng mở to ra nhìn khuôn mặt gần như áp sát vào mặt mình. Em vẫy vẫy tay xin chào, cười thật tươi, xốc lại người trong lòng để đầu cậu ta dựa vào vai mình, cố gắng giữ cậu ta thật chặt trong lòng.

Này ổn không?

Sao, không ổn à?

À ừ quên, chắc khô họng lắm, đợi một lát.

Nói đoạn, em lấy chiếc bi đông đã được cẩn thận buộc vào lưng quần ra, cười hềnh hệch. Cái khó ló cái khôn nó là như thế đấy. Như thế này thì đi đâu cũng tiện, không sợ rơi, cũng không sợ quên. Em mở bi đông ra, mắt nhắm mắt mở nhìn vào bên trong, rồi ghé sát lên tai, lắc lắc.

Này Quái Vật, còn nhiều phết đấy nhé.

Em ghé sát miệng bi đông vào miệng người kia, hân hoan khi thấy không một giọt nước nào chảy ra ngoài. Nước rất quý, nếu tên này dám lãng phí, chắc chắn em sẽ quẳng cậu ta trở về vòng tay thắm thiết tình thương của cái đống nham nhở kia. Nhưng có vẻ cậu ta thích như thế, nên có lẻ phải tính cách khác. Nhưng dù sao cậu ta cũng chịu uống nước rồi, may quá.

Này, sao lại đi sang đây? Người của bọn tôi đông lắm, họ sẽ tỉa cậu ngay khi nhìn thấy cậu đấy.

Cậu không biết không được đi vào vùng trung gian à?

Đứa trẻ kia gắng gượng ngồi dậy, ho mấy tiếng, nghiêng nghiêng đầu vì đau đớn, run rẩy vươn tay về phía cái xác chết đang trương lên đằng xa, mấp máy vài từ.

Bố…

Cả hai đứa trẻ đều không nhớ ra, chúng không nói cùng một ngôn ngữ. Đời tệ quá.

Em moi mẩu thức ăn trong túi ra, cười cười đưa ra trước khuôn mặt đầy nghi hoặc đang trân trối nhìn kia, rồi làm động tác và cơm vào miệng, ra dấu là có thể ăn. Một thoáng lưỡng lự. Em bĩu môi, tính nhét lại vào túi, nhưng người kia nhanh hơn một bước, nó vươn tay giật lấy miếng lương thực kia, nhét vào miệng. Miếng ăn là miếng nhục, kể ra không sai lắm. Nhưng nhục mà no bụng thì rất nhiều người sẵn sàng chịu nhục. Sẽ chẳng ai nhớ tới anh như một người kiêu hãnh dũng cảm, người ta chỉ cười vào mặt anh khi biết anh chết mốc mồm ra vì đói thôi. Chúng ta luôn kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thủy tổ loài người, cười lên nỗi đau đớn ê chề của người khác để làm động lực sống. Chỉ cần không phải là tôi, thì là anh, hay là bất cứ ai, cũng đều như nhau, nào, đã thấy nhân loại thương yêu quý mến nhau đến thế nào chưa?

Này, tôi phải về, tôi đã đi quá lâu rồi.

Tôi không đưa cậu về cùng được. Mà ăn từ từ thôi.

Ở lại đây, nhé, ngày mai tôi lại đến.

Tôi hứa, tôi sẽ lại đến.

Buộc lại bi đông nước vào lưng quần, em đứng lên, vẫy vẫy tay rồi quay lưng phóng bạt mạng về phía chiến hào.

Đứa trẻ đứng dậy, dợm bước tiến về phía cái xác đang nằm, gối đầu lên đùi anh ta, thở hắt ra đầy mệt mỏi.

.

Với tốc độ nhanh nhất có thể, em lao về đến nơi, chui xuống bên dưới, thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra không có ai canh gác cửa ngoài. Em khom người đi bên trong hào, về chỗ ở của mình. Một trong những lợi thế của việc ở đây, chính là quá đông người, trà trộn hay tách ra khỏi đám đông gần như không ai hay biết. Vỗ vỗ vào bi đông treo ở lưng quần ra dấu mình vừa mới đi lấy nước, em nằm dài xuống cái nệm rơm ẩm mốc của mình, quay lưng về phía người sĩ quan đang xoa xoa cổ chân. Rồi em gắng gượng ngồi dậy, lật lật bên dưới lớp nệm một cuốn sổ nhỏ, ngay trang đầu tiên của cuốn sổ dán bức ảnh một người đàn ông cao lớn khỏe mạnh đang mặc quân phục, trên tay bế hai đứa trẻ một trai một gái, đứng bên cạnh là một người phụ nữ quắc thước, đang mỉm cười thật tươi, tóc đen dày tết đuôi sam duyên dáng. Em đưa tay miết lên khuôn mặt thân thuộc trong bức ảnh, rồi ghì chặt cả cuốn sổ vào lòng, khẽ mỉm cười.

Bố, mẹ, chị… Con đang làm đúng, phải không?

 

.

Trưa. Sau khi lĩnh xong phần lương thực và nước uống, em lại phóng vèo vèo ra khỏi hào và tiến về vùng trung gian. Lần thứ hai, hiển nhiên là dạn dĩ và mạnh bạo hơn lần đầu tiên. Hôm nay, em đã lấy thêm được một phần lương thực nữa ngoài phần của mình. Biết sao không, em đã lấy nó trước mặt người trực bộ đàm sau khi đã hỏi dễ đến cả chục lần, nhưng hình như anh ta không nghe thấy cũng chẳng nhìn thấy. Lại một lần nữa, miếng ăn chính là miếng nhục. Nhưng đây không phải là ăn cắp, em đã hỏi xin một cách đàng hoàng nhất có thể rồi. Có trách, hãy trách cả cái hào tăm tối khiến cho người ta u mê mụ mị ấy đi.

Chẳng mấy chốc, em đã tìm thấy bức tường ngày hôm qua. Nó ngồi ở đấy, dựa vào bức tường, tròn mắt vì kinh ngạc khi thấy dáng em chạy lại từ đằng xa với mẩu lương thực nắm chắc trong tay. Nó không tin, hay là không dám tin, người kia sẽ thực sự quay trở lại. Trong giây lát, nó buột miệng.

Hy vọng.

Thực sự, người này chính là hy vọng.

Em chạy đến, ngồi phịch xuống trước mặt nó, tháo bi đông nước buộc lủng lẳng ở lưng quần ra, lắc lắc rồi nghe tiếng nước óc ách bên trong lớp bỏ kim loại một cách thích thú rồi dúi vào tay nó mẩu lương thực, hất đầu ra hiệu cứ ăn thoải mái đi. Không chần chừ, nó cúi xuống gặm gặm mẩu thức ăn trong tay. Nó không quan tâm lắm đến việc mình đang ăn gì, lấp đầy cái bụng rỗng đã.

Em nghiêng cả người, để tầm mắt nhìn ra bên ngoài bức tường, nhăn nhó khi nhìn thấy cái xác kia vẫn nằm chỏng chơ ở đấy. Chỉ cần nghĩ đến cảnh lúc nhúc giòi bọ là em đã méo mặt. Em nhìn người kia vẫn đang cố gắng trệu trạo nhai thức ăn, nhún vai rồi làm nốt công việc vinh quang của mình. Ăn cũng là một loại lao động, xét theo một khía cạnh nào đó.

Ngày tiếp theo thực hiện lệnh ngừng bắn. Trời vẫn nắng nóng đến bức bối. Ngày hôm nay không có gió. Ngồi giữa đồng không mông quạnh mà thấy như đang ngồi bên dưới một cái lồng khổng lồ, ngột ngạt, bí bách. Không gian cứ căng ra. Mọi thứ tĩnh lặng đến lạ thường.

Trước cơn giông tố, trời yên biển lặng.

Không hiểu vì sao, nhưng trong lòng cứ ngập tràn cảm giác bất an. Nỗi lo lắng lớn dần, rồi lớn dần, choán hết tâm trí, dâng lên nghẹn lại trong cổ họng, nói không thành lời. Xét cho cùng, em đang nuôi sống một kẻ địch. Em không thể nói vì người này không hại đến em, nên em sẵn sàng làm thân được. Dân tộc của người này, đã khiêu chiến với dân tộc của em, đã có ý muốn tước đoạt đi sự tự do dưới bầu trời lồng lộng gió của đất nước em… Và giờ thì em ngồi đây, bên cạnh một kẻ địch, thậm chí còn thức ăn nước uống dâng tận miệng cho người ta. Nhưng lại xét cho cùng, thì cả hai đang ngồi ở vùng trung gian, nơi không phải của ta, lại càng không phải của địch. Vậy thì, cả hai ngoại trừ ngôn ngữ, chẳng có gì khác nhau. Thế đấy. Bởi vậy mới nói, đời tệ quá.

.

NO MAN’S LAND.

Mặt đất rung lên. Tiếng động cơ. Tiếng súng lên đạn. Tấm biển xiêu vẹo lệch lạc gắn trên một cái cột lệch lạc xiêu vẹo rơi xuống đất, bị bánh xe tăng ngấu nghiến đến nát vụn. Hai đứa trẻ chết điếng người nhìn đội quân hùng dũng đang dần dần tiến lại. Trước mắt em, kẻ địch đang tiến lại. Trước mắt nó, những người đồng bào của nó đang hừng hừng khí thế biến nơi đây thành bình địa, dập tắt cả trăm nghìn sự sống ẩn náu đằng sau thành lũy ẩm ướt hiếm khí kia.

Chơi đểu. Đời tệ quá.

Bất chấp cái gọi là lệnh ngừng bắn, đội quân điên rồ đang ào ào lao đến với tốc độ kinh hoàng. Để có được chiến thắng, thì danh dự cũng có thể vứt bỏ. Mà chẳng phải, đâm sau lưng là cách dễ dàng nhất để giết người hay sao?

Và chúng đã đâm sau lưng hàng trăm nghìn người.

Và chúng đã đâm sau lưng một đội quân hùng mạnh.

Và chúng đã đâm sau lưng cả vạn bà mẹ, cả vạn người vợ, người chị, người em đang rền rĩ kêu khóc đến rạc người.

Và chúng đã đâm sau lưng cả một đất nước.

Xin phép được bỏ hai chữ “ngu si” và để lại hai chữ “thiên tài” để nói về người đứng đầu, người đã bạc đầu để nung nấu kế hoạch vô cùng phi thường đó là trở thành một thằng vô lại, một thằng ăn cướp đốn mạt đến tận cùng của sự đốn mạt.

Phải, ông là thiên tài, và ông cầm chắc chiến thắng trong tay rồi đấy. Ông sẽ đứng đầu một quốc gia phồn vinh, con cháu ông sẽ đi đứng nằm ngồi trườn bò lê lết thậm chí nhảy Tango trên mảnh đất nhờ ăn cướp mà có, nhờ ăn gan uống máu người mà có. Cứ ngốn hết đi, ăn sạch tất cả đi, ăn nhiều vào, ăn đến khi không thể nuốt nổi nữa, ăn đến khi bụng dạ trướng lên, phình ra, căng ra rồi vỡ bung vỡ bét.

Đáng ra, ông mới là người phải nằm bên dưới bánh xe tăng. Chỉ một mình ông, con người kiệt xuất nhất.

Nó phá lên cười một cách khoái trá, nhìn sang đứa trẻ vẫn còn thẫn thờ bên cạnh mình. Phải, kia là đồng bào tôi, và họ đang đến đây, thể hiện cho cả nhân loại biết bản chất thánh thiện vô song mục ruỗng mối mọt lỗ chỗ những vết đục khoét của mình. Phải, kia là đồng bào tôi, và họ đang đến đây, những kẻ tự hào với một trái tim đã mưng mủ nảy giòi, với nụ cười rộng ngoác thân thiện tới tận mang tai, những tự cho mình có đôi cánh trên lưng, coi mạng người như cỏ rác. Phải, kia là đồng bào tôi, và họ đang đến đây, dùng phép thuật và sự màu nhiệm của chính giống loài họ để biến nơi này không còn là vùng trung gian mà chồng chất xác người, xác những người nếu thuộc đội quân của ông, thì đã hết giá trị sử dụng, còn nếu là đội quân của kẻ địch, thì quả nhiên đáng phải làm phân bón cho mảnh đất “nhà ông” tốt tươi. Tất cả, đều là một phần cuộc viễn chinh kì thú đáng học tập của ông ta. Phải, kia là đồng bào tôi, nhưng kể từ giây phút họ nghiến bánh xe tăng qua người một chiến sĩ đã ngã xuống để chiến đấu cho họ, một cách không thương tiếc chỉ để tháo chạy, thì tôi không còn là một phần của họ nữa.

Bố…

Nó lao về phía đứa trẻ, lột chiếc áo trên người ra, tròng lên cho em, rồi đẩy mạnh em tiến về phía trước.

Mặc như thế này, họ sẽ không giết cậu ngay đâu.

Chạy đi, nhanh lên, chạy đi!

Rồi nó lao về phía cái xác vẫn đang nằm trên mặt đất, ôm ghì đống thịt vụn ấy vào lòng, mặc cho giòi bọ tìm cách bò lên người. Lần đầu tiên kể từ khi rời chiến hào, nó bật khóc.

Này, Quái Vật, cậu làm gì thế hả?

Đứa trẻ khoác trên người chiếc áo rộng thùng thình, trước ngực, huy hiệu lóe sáng dưới ánh nắng chói chang, em lao đến muốn kéo người kia đi, nhưng rồi giật lùi về phía sau như phải bỏng. Khuôn mặt người kia đẫm nước mắt, và máu. Em nhìn xe tăng đang tiến lại gần, nhìn bụi tung mịt mù cuộn lên bởi hàng trăm nghìn đôi chân đang rầm rập chạy đến, rồi lồng lên chạy, chạy nhanh hết mức có thể, lao về phía chiến hào, chạy theo hình zic-zac để không bị đạn găm trúng. Nước mắt lăn dài trên gò má nhem nhuốc bẩn thỉu. Ngón tay em bấu chặt vào tay áo khoác, siết lại thành một nắm đấm căm hờn. Em không dám ngoảnh đầu lại, cứ thế phóng như tên bay. Đằng sau em, xe tăng cứ thế tiến về phía trước, hiên ngang đến mức tàn bạo. Đằng trước em, tấm biển NO MAN’S LAND đánh dấu vùng trung gian cắm bên cạnh chiến hào lóa lên dưới ánh nắng gắt gao.

Nó thở phào, đầu gục xuống. Kéo khuôn mặt nát bươm kia vào lồng ngực mình.

Ừ đúng rồi, chạy đi.

Chạy nhanh lên, Hy Vọng.